Tại sao trong 3 năm Trung Quốc tiêu thụ nhiều xi măng gấp rưỡi Hoa Kỳ trong 100 năm?

"Trong 3 năm từ 2011-2013, lượng xi măng mà Trung Quốc đã tiêu thụ nhiều hơn 50% tổng lượng xi măng mà Hoa Kỳ đã sử dụng trong thế kỷ 20"

Cụ thể, Trung Quốc đã tiêu thụ 6.6 tỷ tấn xi măng chỉ trong 3 năm 2011, 2012, 2013, còn Hoa Kỳ tiêu thụ 4.5 tỷ tấn xi măng trong 100 năm từ 1901-2000.

Tại sao hai quốc gia vốn có nền kinh tế ở quy mô tương đồng nhau lại có sự chênh lệch khủng khiếp tới vậy ở lượng xi măng tiêu thụ? Nhiều ý kiến đã được đưa ra để giải thích cho con số có phần gây shock này, trong đó tập trung vào 3 yếu tố chính: 1. Sự khác biệt về quy mô dân số, 2. Sự khác biệt trong nhu cầu nhà ở giữa hai quốc gia và 3. Sự khác biệt tới từ giai đoạn phát triển của nền kinh tế.

Bắt đầu với yếu tố đầu tiên: sự khác biệt về quy mô dân số. Trung Quốc có dân số 1.35 tỷ người vào năm 2012, so với khoảng 166 triệu người Hoa Kỳ trong thế kỷ 20. Sự khác biệt vào khoảng 8 lần. Do đó, hiểu một cách đơn giản nếu dân số Trung Quốc thời điểm 2012 bằng với Hoa Kỳ trong thế kỷ 20, họ cần 3x8 = 24 năm để tiêu thụ 6.6 tỷ tấn xi măng. Tuy vậy, khoảng cách dù được thu hẹp đáng kể, vẫn chênh lệch rất xa.

Tiếp tục với yếu tố thứ hai: sự khác biệt trong nhu cầu xây dựng giữa 2 quốc gia. Cụ thể hơn, tại Hoa Kỳ, 75% lượng xi măng tiêu thụ được sử dụng trong lĩnh vực xây dựng dân dụng (residential construction) [1]. Đa số công trình xây dựng dân dụng tại Hoa Kỳ là nhà ở cá nhân, sử dụng kết cấu gỗ hoặc thép cho phần khung, với tường bằng gạch hoặc thạch cao, xi măng chỉ được sử dụng để trộn bê tông đổ móng. Trong khi đó, tại Trung Quốc, do quy mô dân số lớn, các công trình dân dụng đa phần là các tòa nhà cao tầng, với kết cấu phần khung, móng và vách ngăn được làm chủ yếu từ xi măng và bê tông. Theo thống kê, không gian sống bình quân của một người Hoa Kỳ là 41m2 và cần khoảng 12 tấn bê tông để tạo nên không gian đó, so với không gian sống bình quân 17m2 của một người Trung Quốc nhưng cần tới 25.8 tấn bê tông xây dựng. Tuy vậy, không phải người Mỹ nào cũng có điều kiện sống trong các căn nhà riêng, và cũng không phải người Trung Quốc nào cũng sống trong các căn nhà cao tầng. Một số chuyên gia ước tính sự chênh lệch do hoàn cảnh tiêu thụ gây ra dừng ở khoảng 50%: cần nhiều hơn 50% lượng xi măng để xây dựng không gian sống bình quân cho một người Trung Quốc so với người Mỹ. Như vậy, xét thêm yếu tố thứ 2, khoảng cách được thu hẹp thêm một phần: 24 x 1.5 = 36 năm với 6.6 tỷ tấn xi măng so với 100 năm và 4.5 tỷ tấn.

Yếu tố thứ 3 xem xét tới giai đoạn phát triển của nền kinh tế. Trong thế kỷ 20, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và công trình dân dụng chiếm khoảng 10-20% cơ cấu nền kinh tế Hoa Kỳ. Trong khi đó tại Trung Quốc, giai đoạn 2011 – 2013 đánh dấu giai đoạn bùng nổ trong lĩnh vực xây dựng với xu hướng đô thị hóa chóng mặt. Theo thống kê, chỉ trong giai đoạn 2011-2013, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực xây dựng, xét theo % GDP, tại Trung Quốc gấp 3 lần Hoa Kỳ trong toàn thế kỷ 20.

Như vậy, sau khi xét thêm yếu tố thứ 3, chúng ta có được kết quả như sau: với dân số tương đương, Trung Quốc cần 36 x 3 = 108 năm để tiêu thụ 6.6 tỷ tấn xi măng, so với 100 năm của Hoa Kỳ để tiêu thụ 4.5 tỷ tấn xi măng. Sự chênh lệch đã không cần quá lớn tới mức khó lý giải.

Ghi chú:

[1] - Statistica: U.S. cement - residential consumption
 (2015: 32.45 million metric tons) vs. Statistica: U.S. cement - non-residential consumption
 (2015: 11.23 million metric tons)

[2] - https://www.quora.com/How-did-China-use-more-cement-in-the-past-three-ye....